THỦ TỤC XIN CÔNG NHẬN PHÂN BÓN LƯU HÀNH TẠI VIỆT NAM?
Về công nhận phân bón lưu hành, chúng tôi cung cấp đến bạn đọc thủ tục xin công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam như sau:
Thủ tục xin công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam
1. Các hình thức công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam
– Công nhận lần đầu đối với:
+ Phân bón được nghiên cứu hoặc tạo ra trong nước;
+ Phân bón được nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam;
+ Phân bón đã được công nhận lưu hành đăng ký thay đổi chỉ tiêu chất lượng.
– Công nhận lại đối với:
+ Phân bón hết thời gian lưu hành;
+ Thay đổi thông tin tổ chức, cá nhân có phân bón đã được công nhận lưu hành; mất, hư hỏng Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam;
+ Chuyển nhượng tên phân bón;
+ Thay đổi tên phân bón đã được công nhận lưu hành.
Lưu ý:Các trường hợp công nhận lại quy định tại điểm b, c, d khoản 2 Điều 8 Nghị định số 108/2017/NĐ-CPchỉ được thực hiện nếu không thay đổi chỉ tiêu chất lượng của phân bón.
2. Trình tự xin công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam
– Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đến Cục Bảo vệ thực vật.
– Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Nếu hồ sơ không hợp lệ phải thông báo cho tổ chức, cá nhân để bổ sung hồ sơ.
– Bước 3: Thẩm định hồ sơ và công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam: Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thẩm định để đánh giá hồ sơ công nhận.
Ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam nếu hồ sơ đáp ứng các quy định về phân bón; trường hợp không ban hành Quyết định công nhận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
3. Hồ sơ xin công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam
Hồ sơ được lập thành 01 bộ bao gồm:
– Đơn đề nghị công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo mẫu;
– Bản thông tin chung về phân bón do nhà sản xuất cung cấp bao gồm: loại phân bón, chỉ tiêu chất lượng chính, hàm lượng yếu tố hạn chế trong phân bón, công dụng, hướng dẫn sử dụng, thông tin chung về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón;
– Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo mẫu (trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều 13 và phân bón có tên trong Danh mục quy định tại khoản 11 Điều 47 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ) hoặc kết quả của các công trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và có quyết định công nhận là tiến bộ kỹ thuật (đối với phân bón quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP );
– Mẫu nhãn phân bón theo quy định.