Quyền chuyển đổi giới tính theo Bộ luật dân sự 2015

Quyền chuyển đổi giới tính theo Bộ luật dân sự 2015

By admin - Tháng Mười 19, 2018

Trước đây cũng như hiện nay, ở Châu Á nói riêng và thế giới nói chung, rất ít quốc gia công nhận chuyển đổi giới tính. Vì vậy, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là một quy định rất tiến bộ trong lịch sử lập pháp của Việt Nam.

Ở Việt Nam, trước thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa được Quốc hội thông qua thì pháp luật không thừa nhận quyền thay đổi giới tính mà chỉ công nhận quyền được xác định lại giới tính của cá nhân theo Điều 36 Bộ luật dân sự 2005. Trong xã hội hiện nay, nhóm người có mong muốn chuyển giới là thực tế tồn tại khách quan. Dưới góc độ quyền con người, cá nhân có quyền được sống, trong đó bao hàm quyền được sống là chính mình, có quyền quyết định đối với cơ thể, hình hài của mình. Đây là mong muốn chính đáng của họ. Xã hội càng phát triển, quyền tự do của con người ngày càng được mở rộng và cần được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Do đó Bộ luật dân sự 2015 đã công nhận chuyển đổi giới giới tính là một quyền của con người.

Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính, có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”.

Trước đây, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận việc xác định lại giới tính cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về mặt giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Việc chuyển đổi giới tính của những người hoàn thiện về giới tính không được pháp luật cho phép. Do đó, những người đã chuyển đổi giới tính rất bấp bênh trong việc bảo vệ quyền của mình.

Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính là một trong những quyền cơ bản của công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Song song với việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có những quy định để đảm bảo các quyền nhân thân cho người chuyển đổi giới tính. Những người chuyển đổi giới tính có quyền thay đổi họ, tên, cải chính hộ tịch và những quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính như kết hôn, nhận nuôi con nuôi…

Với người chuyển giới, giới tính hiện tại của họ không trùng với giới tính khi sinh ra, các giấy tờ nhân thân trước đó ghi theo giới tính khi sinh ra. Điều này dẫn đến hệ quả khi một người chuyển giới họ phải cải chính thông tin trên giấy tờ nhân thân và các giấy tờ khác có liên quan như văn bằng, chứng chỉ… Đây sẽ là một vấn đề phức tạp đối với một người đã có một quá trình dài lao động, làm việc, có rất nhiều các loại giấy tờ cá nhân do nhiều cơ quan ban hành.

Một vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 không thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng khi Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép chuyển đổi giới tính, có thể nào xảy ra trường hợp một cặp vợ chồng đã kết hôn và có con chung, sau đó người chồng hoặc người vợ chuyển đổi giới tính mà chưa ly hôn, lúc đó sẽ xảy ra trường hợp hôn nhân đồng giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *