“Tái phạm” và “Tái phạm nguy hiểm” cần hiểu như thế nào?
“Tái phạm” và “Tái phạm nguy hiểm” cần hiểu như thế nào?
“Tái phạm” và “Tái phạm nguy hiểm” là hai thuật ngữ chúng ta vẫn thường xuyên được nghe và biết đến trong việc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ như thế nào mới được xem là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Và bài viết dưới đây sẽ phân tích hai thuật ngữ trên dưới góc độ pháp lý theo quy định hiện hành tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) để mọi người nắm rõ và hiểu đúng bản chất vấn đề.
Theo Điều 53 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:
Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. 2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. |
Dựa vào quy định trên, chúng ta có thể rút ra được bản chất của tái phạm và tái phạm nguy hiểm như sau:
TÁI PHẠM
Để xem xét một người phạm tội có coi là tái phạm hay không thì chúng ta cần phải dựa trên các căn cứ sau:
– Thứ nhất: Trước hết, khi thực hiện hành vi phạm tội người đó đã bị kết án hay chưa?
Theo quy định thì người thực hiện hành vi phạm tội đã bị kết án trước đó về bất kì tội danh nào, không phụ thuộc vào loại tội (tội mà người đó đã bị kết án trước đó có thể là tội rất nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng); không phụ thuộc vào mức độ trách nhiệm (có được giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự) và hiển nhiên là cũng không phụ thuộc yếu tố lỗi (lỗi của người phạm tội ở đây có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý).
– Thứ hai: Người phạm tội đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích.
Việc xóa án tích đối với người phạm tội được thực hiện theo Chương X Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, về nguyên tắc thì người đã được xóa án tích sẽ được coi như người chưa bị kết án. Và về căn cứ xem xét xóa án tích được xem xét trên 03 phương diện:
+ Đương nhiên xóa án tích: khi người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án…
+ Xóa án tích theo quyết định của Tòa án: Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án.
+ Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt: Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
Trường hợp người nào phạm tội mà chưa được xóa án tích về tội cũ nay lại vi phạm tội mới là căn cứ để xem xét đây có phải là hành vi tái phạm hay không.
– Thứ ba: Người thực hiện hành vi phạm tội mới do lỗi cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do lỗi vô ý.
Điều này được hiểu cụ thể như sau:
+ Trường hợp người phạm tội thực hiện tội mới là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng: được xác định là hành vi tái phạm khi tội mới này người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý, còn nếu thực hiện với lỗi vô ý thì hành vi phạm tội này không coi là tái phạm.
+ Trường hợp tội mới mà người phạm tội thực hiện là tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng: không phân biệt người phạm tội mới do lỗi cố ý hay vô ý, người thực hiện hành vi phạm tội này đều được xác định là hành vi tái phạm.
=>>Như vậy, khi có đầy đủ các căn cứ trên thì người phạm tội mới được xác định là có hành vi tái phạm. Ngoài ra, khi xác định hành vi tái phạm chúng ta cần lưu ý: Tình tiết tái phạm được quy định trong Bộ luật hình sự vừa là tình tiết định tội vừa là tình tiết định khung hình phạt và vừa là tình tiết tăng nặng. Khi đó nếu tình tiết tái phạm đã là yếu tố định tội hoặc khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
TÁI PHẠM NGUY HIỂM
Tái phạm nguy hiểm được coi là một dạng đặc biệt của hành vi tái phạm, do đó nếu thuộc một trong 02 trường hợp sau đây thì sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm:
– TH1: Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
Người nào đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trước đó mà do lỗi cố ý nhưng chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý thì hành vi phạm tội mới của người này được coi là tái phạm nguy hiểm.
– TH2: Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Theo đó, người nào đã bị kết án 2 lần và trong lần kết án thứ 2 trước đó người này đã bị áp dụng tình tiết tái phạm mà hành vi phạm tội này chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới do lỗi cố ý khi đó không phân biệt tội mới mà người này thực hiện là loại tội nào, hành vi phạm tội mới của họ sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm.