Trách nhiệm bồi thường tài sản bị mất khi vào cửa hàng mua sắm
Khách hàng có hỏi một câu hỏi như sau: Em có đi mua quần áo với bạn ở Cầu Giấy. Lúc đi vào bạn nhân viên bảo: Các chị để đồ vào trong tủ gửi đồ đi ạ. Nhưng sau khi thử quần áo xong và ra thanh toán thì em phát hiện số tiền 2 triệu đồng cùng điện thoại bị mất. Em có nhiều lần đến cửa hàng yêu cầu chủ cửa hàng bồi thường nhưng chủ cửa hàng không gặp mặt và không nghe điện thoại. Vậy các anh chị có thể cho em biết về các quy định pháp luật về việc này, em được bồi thường ra sao không ạ?
Luật sư tư vấn:
Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Mai Phong. Về câu hỏi của bạn, công ty Luật Mai Phong xin tư vấn và hướng dẫn bạn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật dân sự năm 2015
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản bị mất khi vào cửa hàng mua sắm
Căn cứ theo Điều 554 của bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:
“Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.
Bộ luật Dân sự 2015, quy định riêng về hình thức của hợp đồng đã được xóa bỏ và hình thức hợp đồng sẽ áp dụng tương tự hình thức của giao dịch dân sự Điều 119. Cụ thể:
” 1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”
Do đó, việc nhân viên cửa hàng bảo bạn để đồ trong tủ gửi đồ là hợp đồng gửi giữ tài sản được giao kết bằng miêng. Theo đó, nhân viên cửa hàng có nghĩa vụ trông giữ tài sản cho bạn và phải trả lại chính tài sản đó cho bạn khi bạn có yêu cầu. Còn bạn là bên gửi tài sản có các quyền sau theo Điều 556 Bộ luật dân sự 2015:
“Bên gửi tài sản có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý;
2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”
Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định: Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bạn mất đồ không thuộc trường hợp bất khả kháng. Do đó bạn có quyền yêu cầu chủ cửa hàng bồi thường số tiền đã mất là 02 triệu đồng và giá trị của điện thoại đã mất.