Thủ tục đổi sổ đỏ chỉ đứng tên chồng thành tên hai vợ chồng
Trên thực tế, khi giao dịch mua bán nhà đất, thường người chồng sẽ được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc này có thể gây ra bất lợi cho người không có tên trong sổ đỏ khi mảnh đất có tranh chấp. Vì vậy luật pháp luôn khuyến khích tuyên truyền về quyền của phụ nữ với tài sản chung trong hôn nhân, và cũng có những quy định rất rõ về thủ tục đổi sổ đỏ tên chồng thành tên hai vợ chồng.
1. Sổ đỏ là gì?
Trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có một quy định cụ thể nào về khái niệm sổ đỏ, tuy nhiên sổ đỏ được hiểu là thuật ngữ để gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Khi sở hữu sổ đỏ, chủ sở hữu có thể chứng minh quyền sử dụng đất và là công cụ bảo vệ quyền hạn, lợi ích của chủ sở hữu đất.
2. Quy định pháp luật về số lượng người đứng tên trên sổ đỏ
Theo Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 quy định:
“2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.”
Từ Khoản 2 trên, ta có thể hiểu là trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể có tên của một người hoặc nhiều người cùng lúc, không giới hạn số người đăng ký, miễn rằng những người đó có chung quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất. Vậy nên một mảnh đất có tên cả hai vợ chồng là hoàn toàn hợp pháp.
3. Thủ tục đổi sổ đỏ tên chồng thành tên hai vợ chồng
Theo Khoản 4 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 và Khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì vợ chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi sổ đỏ nếu muốn thay đổi người đứng tên Sổ đỏ từ 1 người thành 2 người:
“Điều 98. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.”
“Điều 12. Đăng ký tài sản chung của vợ chồng
2. Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.”
Điều kiện:
– Vợ chồng đã đăng ký kết hôn hợp pháp;
– Sổ đỏ do chồng đứng tên là tài sản chung của vợ chồng (hoặc được vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung);
– Không có tranh chấp về quyền sở hữu đối với thửa đất.
Hồ sơ:
– Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK do vợ chồng cùng ký tên, đóng dấu (nếu có);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đang sử dụng (bản gốc);
– Giấy tờ chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của vợ và chồng (bản gốc và bản sao);
– Giấy chứng nhận kết hôn (bản gốc và bản sao);
– Hợp đồng mua bán nhà đất, hợp đồng tặng cho, hợp đồng thừa kế (nếu có) (bản gốc và bản sao);
– Giấy tờ khác có liên quan (nếu có).
Thủ tục:.
– Nộp hồ sơ làm sổ đỏ đứng tên 2 người tại cơ quan có thẩm quyền.
Người sử dụng đất nộp cần hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ làm sổ đỏ đứng tên 2 người.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung (trong thời hạn 03 ngày làm việc).
Nếu hồ sơ đủ thì người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận. Viết và đưa Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).
– Giải quyết yêu cầu.
Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ (nếu có).
– Nhận kết quả.
Sau thời hạn quy định trong Giấy hẹn, vợ chồng đến Văn phòng Đăng ký đất đai để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới có tên cả vợ và chồng.
——————————————————————————