Thủ tục đăng ký mã vạch cho sản phẩm
Thủ tục đăng ký mã vạch cho sản phẩm
Hiện nay khi mua các sản phẩm tại các siêu thị hoặc các sản phẩm nhập khẩu, việc thấy mã vạch không phải là điều xa lạ. Về khái niệm, bản chất mã vạch là một mã để đánh dấu sản phẩm, mang tính chất quản lý và được công nhận chung trên toàn cầu. Nhìn vào mã vạch bạn có thể biết được sản phẩm do đơn vị nào sản xuất và xuất xứ từ đất nước nào.
Tại Việt Nam, việc đăng ký mã vạch được thực hiện tại Văn phòng GS1 VN – Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.
Hồ sơ đăng ký mã vạch cho sản phẩm
- Bản đăng ký sử dụng mã vạch (2 bản theo mẫu)
- Bảng đăng ký danh mục sử dụng GTIN: Đây chính danh sách sản phẩm của đơn vị
- Bản sao đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập
- Phiếu biên nhận hồ sơ (2 bản)
- Khi DN đăng ký sử dụng mã doanh nghiệp cấp cho trên 1.000 dưới 10.000 loại sản phẩm (mã DN 8 chữ số) thì yêu cầu thêm công văn đề nghị cấp mã DN 8 chữ số (nêu lý do cần sử dụng loại mã này). Công văn đề nghị gửi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Trình tự thủ tục đăng ký mã vạch cho sản phẩm
- Nộp hồ sơ đăng ký mã vạch tại Việt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam số 10 Hoàng Quốc Việt
- Trong vòng 2 ngày làm việc, GS1 thẩm định Hồ sơ và cấp mã Doanh nghiệp M cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cầm giấy hẹn lên lấy mã Doanh nghiệp M và nộp lệ phí đồng thời được chuyên viên GS1 hướng dẫn cách sử dụng mã Doanh nghiệp M.
- Sau 15 ngày làm việc theo giấy hẹn doanh nghiệp đến nhận kết quả là xác nhận sử dụng mã vạch
Danh mục phân ngành của GS1 khi đăng ký mã vạch
Ngành | Phân loại theo GS1 | Ngành | Phân loại theo GS1 | Ngành | Phân loại theo GS1 |
Săn bắn, nông nghiệp, lâm nghiệp | A | Bán buôn và bán lẻ | G | Vận chuyển và hậu cần | M |
Đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản | B | Nhà hàng, khách sạn | H | Quốc phòng | N |
Hầm mỏ và khai thác đá | C | Môi giới tài chính | I | Thực phẩm và đồ uống | O |
Sản xuất | D | Các hoạt động kinh doanh BĐS | J | Bao gói | P |
Điện, ga, cung ứng hơi nước và nước nóng | E | Giáo dục, đào tạo | K | Ô tô | Q |
Xây dựng | F | Chăm sóc sức khỏe và các hoạt động XH | L | Các ngành còn lại | R |
Các loại mã vạch sản phẩm khi đăng ký mã vạch
a. Mã doanh nghiệp: là mã Tổng cục TCĐLCL cấp cho doanh nghiệp để từ đó DN phân bổ cho các sản phẩm của mình
+ Mã DN 8 chữ số: khi đăng ký tổng chủng loại sản phẩm trên 1000 dưới 10.000 loại sản phẩm;
+ Mã DN 9 chữ số: khi đăng ký tổng chủng loại sản phẩm trên 100 dưới 1000 loại sản phẩm;
+ Mã DN 10 chữ số: khi đăng ký tổng chủng loại sản phẩm dưới 100 loại sản phẩm;
b. Mã số địa điểm toàn cầu GLN: dùng để phần định địa điểm công ty, chi nhánh, kho hàng.. của DN. (Lưu ý: mã GLN không dùng để phân định cho sản phẩm).
c. Mã số rút gọn EAN-8: được sử dụng trên các sản phẩm có kích thước rất nhỏ. Mã này cầp riêng cho từng sản phẩm.
Hướng dẫn ghi bảng mã GTIN
– Mục tên DN kê khai theo bản đăng ký sử dụng MSMV.
– Mục Mã doanh nghiệp và số GCN: để trống.
– Mục Bảng kê danh mục sản phẩm: liệt kê các sản phẩm hiện tại và sắp tới có nhu cầu gán mã vạch. Cột Tên sản phẩm: ghi tên và nhãn hiệu sản phẩm. Cột Mô tả sản phẩm: ghi đặc điểm của sản phẩm như mầu sắc, mùi vị, loai bao gói (túi ni long, chai nhựa, hộp sắt, hộp giấy), đo lường (trọng lượng, dung tích). Lưu ý: Mỗi loại sản phẩm có đặc điểm khác nhau như dung tích, quy cách đóng gói, trọng lượng hoặc chủngloại sản phẩm… khác nhau thì kê thành từng dòng riêng. Nếu sản phẩm có đóng thùng chứa nhiều sản phẩm và gán mã vạch lên thì kê khai dưới sản phẩm chứa trong thùng. Hai cột về mã (Mã vật phẩm /thùng và Mã GTIN) bỏ trống. Ví dụ:
TT | Tên sản phẩm | Mã vật phẩm | Mã GTIN | Mô tả sản phẩm |
1 | Rượu trắng | Đóng chai TT, nồng độ 29%V, 500 ml | ||
1.1 | Thùng đựng (nếu gán mã) | 24 chai/thùng | ||
2 | Rượu trắng | Đóng chai TT, 39%V, 750 ml | ||
2.1 | Thùng đựng | 24chai/thùng | ||
3 | Bánh quy có kem | Đóng gói nilon, 350g |
Phí, lệ phí khi đăng ký mã vạch
Theo Thông tư số 36/2007/TT-BTC ngày 11 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính về việc Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 88/2002/TT-BTC ngày 02/10/2002 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí cấp mã số mã vạch, mức thu phí cấp mã số mã vạch được quy định cụ thể như sau:
Đơn vị: Đồng
STT | Phân loại | Phí đăng ký cấp và hướng dẫn sử dụng | Phí duy trì |
1 | Sử dụng mã doanh nghiệp | ||
a | Sử dụng mã doanh nghiệp 7, 8 chữ số | 1.000.000 | 1.000.000 |
b | Sử dụng mã doanh nghiệp 9, 10 chữ số | 1.000.000 | 500.000 |
2 | Sử dụng mã GLN (một mã số) | 300.000 | 200.000 |
3 | Sử dụng mã EAN-8 (một mã số) | 300.000 | 200.000 |
4 | Đăng ký sử dụng mã nước ngoài | 500.000 |
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số mã vạch từ ngày 1/7 thì mức phí duy trì nộp trong năm đăng ký bằng 50% (năm mươi phần trăm) mức phí duy trì tương ứng với từng loại mã số mã vạch theo quy định nêu trên.
Doanh nghiệp có thể nộp phí bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo địa chỉ sau:
Ngân hàng: Kho bạc Nhà nước Cầu Giấy, Hà nội
Số tài khoản: 3511.0.1059094
Đơn vị hưởng: Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam
Địa chỉ: 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà nội
Lưu ý:
1) Khi chuyển khoản đề nghị cơ sở ghi rõ tên cơ sở, ghi rõ loại phí nộp (phí cấp mã hoặc phí duy trì) và đặc biệt khi nộp phí hàng năm cần ghi thêm mã số doanh nghiệp – theo Giấy chứng nhận do Tổng cục TCĐLCL cấp – vào chứng từ chuyển khoản để tiện theo dõi (ví dụ: 893……).
2) Phí duy trì sử dụng MSMV phải nộp trước 30/6 hàng năm.