Quyền ly hôn đơn phương của một bên

Quyền ly hôn đơn phương của một bên

By admin - Tháng Mười Hai 5, 2018

Khách hàng có một câu hỏi như sau: Em và chồng em lấy nhau được 4 năm nhưng không hề hạnh phúc. Chồng em hay cờ bạc và có nợ một số tiền khá lớn, đã trốn đi làm ăn xa, một năm chỉ về nhà 2 – 3 lần. Em muốn ly hôn với chồng, kêu anh ấy về để hai bên giải quyết nhưng anh không chịu về. Giờ em muốn ly hôn đơn phương thì phải làm thế nào?

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, về quyền ly hôn đơn phương:

Theo Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền Ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được…

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.

Theo quy định trên, thì chị có quyền yêu cầu TAND giải quyết đơn phương ly hôn khi có căn cứ chứng minh tình trạng hôn nhân của mình trầm trọng, kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Nếu chị nộp đủ hồ sơ, giấy tờ cần thiết thì TADN vẫn tiếp nhận và thụ lý đơn khởi kiện. Hồ sơ khởi kiện ly hôn như sau:

+ Đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu);

+ Chứng minh nhân dân, hộ khẩu photo có chứng thực của vợ, chồng;

+ Giấy đăng ký kết hôn bản chính;

+ Giấy khai sinh của con bản sao có chứng thực

+ Giấy tờ về tài sản (nếu có tranh chấp về tài sản).

+ Giấy tờ xác nhận nơi cư trú/ nơi cư trú cuối cùng của người chồng do cơ quan công an xác nhận.

Nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (chồng bạn) cư trú, làm việc. Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương từ 4 đến 6 tháng.

Thứ hai, vấn đề người chồng vắng mặt :

Theo Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:

“2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.”…

Theo Điều 228 Bộ luật dân sự 2015 quy định Xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa như sau:

“Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này”.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, bạn vẫn có quyền yêu cầu tòa án tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ly hôn của bạn mà không cần có mặt của cả vợ và chồng bạn. Nếu chồng bạn không chịu giải quyết, sau lần thứ nhất triệu tập hòa giải không thành mà bạn vẫn có nguyện vọng ly hôn thì tòa vẫn tiến hành xét xử vắng mặt chồng bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *