QUY TRÌNH YÊU CẦU TÒA ÁN MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH MỚI

By admin - Tháng Sáu 24, 2019

MAIPHONG LAWFIRM – QUY TRÌNH YÊU CẦU TÒA ÁN MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH MỚI

Tư vấn điều kiện được quyền yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo quy định mới. Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ phá sản doanh nghiệp theo luật phá sản và các lưu ý khi thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Điều kiện được yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp

1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

 

Hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp

I. Người nộp đơn là chủ nợ

Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Tên, địa chỉ của ngời làm đơn;

c) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản;

d) Các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đến hạn mà không được doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán;

đ) Quá trình đòi nợ;

e) Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.

 

II. Người nộp đơn là người lao động

1. Đại diện cho người lao động được cử hợp pháp sau khi được quá nửa số người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký; đối với doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô lớn, có nhiều đơn vị trực thuộc thì đại diện cho người lao động được cử hợp pháp phải đựơc quá nửa số người được cử làm đại diện từ các đơn vị trực thuộc tán thành.

2. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Tên, địa chỉ của ngừơi làm đơn;

c) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản;

d) Số tháng nợ tiền lương, tổng số tiền lương và các khoản nợ khác mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được cho người lao động;

đ) Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.

 

III. Người nộp đơn là doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản

1. Khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

2. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã;

c) Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.

3. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải được gửi cho Toà án có thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Luật phá sản.

4. Phải nộp kèm theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó giải trình nguyên nhân và hoàn cảnh liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán; nếu doanh nghiệp là công ty cổ phần mà pháp luật yêu cầu phải được kiểm toán thì báo cáo tài chính phải đựơc tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận;

b) Báo cáo về các biện pháp mà doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn;

c) Bảng kê chi tiết tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã và địa điểm nơi có tài sản nhìn thấy được (mẫu 1);

d) Danh sách các chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của các chủ nợ; ngân hàng mà chủ nợ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm (mẫu 2);

đ) Danh sách những ngươì mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của họ; ngân hàng mà họ có tài khoản; các khoản nợ đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm; các khoản nợ chưa đến hạn có bảo đảm và không có bảo đảm (mẫu 3);

e) Danh sách ghi rõ tên, địa chỉ của các thành viên, nếu doanh nghiệp mắc nợ là một công ty có các thành viên liên đới chịu trách nhiệm về những khoản nợ của doanh nghiệp;

g) Những tài liệu khác mà Toà án yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải cung cấp theo quy định của pháp luật.

 

IV. Người nộp đơn là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước

1. Khi nhận thấy doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng phá sản mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp đó.

2. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu đuợc thực hiện như mục III trên đây.

 

V. Người nộp đơn là các cổ đông công ty cổ phần

1. Khi nhận thấy công ty cổ phần lâm vào tình trạng phá sản thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của điều lệ công ty; nếu điều lệ công ty không quy định thì việc nộp đơn được thực hiện theo nghị quyết của đại hội cổ đông. Trường hợp điều lệ công ty không quy định mà không tiến hành được đại hội cổ đông thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty cổ phần đó.

2. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu được thực hiện như mục III, trừ các giấy tờ, tài liệu điểm d, đ và e.

Quy trình giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp tại Tòa án

Phương thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Người có yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:

a) Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân;

b) Gửi đến Tòa án nhân dân qua bưu điện.

2. Ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

 

Phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về quy chế làm việc của Tổ Thẩm phán quy định tại khoản 1 Điều này.

 

Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:

a) Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;

b) Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 hoặc Điều 29 của Luật phá sản số 51/2014/QH13 thì Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn;

c) Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác;

d) Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

2. Thông báo việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải bằng văn bản và gửi cho người nộp đơn và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán biết.

 

Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền và giải quyết đề nghị xem xét lại việc chuyển đơn

1. Tòa án nhân dân xử lý đơn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 của Luật phá sản số 51/2014/QH13 có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền và thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản biết.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định chuyển đơn thì người nộp đơn hoặc Tòa án nhân dân được chuyển đơn có quyền đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp xem xét lại việc chuyển đơn.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp giải quyết đề nghị xem xét lại việc chuyển đơn. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

 

Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ nội dung quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 28 hoặc Điều 29 của Luật phá sản số 51/2014/QH13 thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn biết để sửa đổi, bổ sung. Thời hạn sửa đổi, bổ sung do Tòa án nhân dân ấn định, nhưng không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp đơn nhận được thông báo; trường hợp đặc biệt, Tòa án nhân dân có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày.

 

Thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn.

Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.

2. Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

3. Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản số 51/2014/QH13.

4. Việc thương lượng của các bên theo quy định tại Điều này không được trái với quy định của pháp luật về phá sản.

 

Thủ tục nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.

Trường hợp có đề nghị thương lượng thì việc thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 37 của Luật phá sản số 51/2014/QH13.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản như sau:

a) Nộp lệ phí phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự;

b) Nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng.

 

Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật phá sản số 51/2014/QH13.

2. Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

3. Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

4. Quyết định mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm;

b) Tên của Tòa án nhân dân; họ và tên Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản;

c) Ngày và số thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; tên, địa chỉ của người làm đơn yêu cầu;

d) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

đ) Thời gian, địa điểm khai báo của các chủ nợ và hậu quả pháp lý của việc không khai báo.

5. Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Trong trường hợp này, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được trả lại tiền tạm ứng chi phí phá sản; yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản đã bị tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản số 51/2014/QH13 được tiếp tục giải quyết.

 

Thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

1. Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính.

2. Quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

3. Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.

 

Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

2. Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị, Tòa án nhân dân đã ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản gửi hồ sơ vụ việc phá sản cho Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp giải quyết.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản kèm theo đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán xem xét, giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị và gửi hồ sơ vụ việc phá sản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản do Tòa án nhân dân chuyển đến, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phải trả lại hồ sơ cho Tòa án nhân dân.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản do Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trả lại, Tổ Thẩm phán phải tổ chức phiên họp để xem xét, giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị.

6. Phiên họp của Tổ Thẩm phán có Viện kiểm sát nhân dân tham gia và có Thư ký Tòa án nhân dân ghi biên bản phiên họp. Trong trường hợp cần thiết có thể triệu tập người khác để hỏi thêm về những vấn đề chưa rõ.

7. Tổ Thẩm phán có quyền ra một trong các quyết định sau:

a) Giữ nguyên quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản;

b) Huỷ quyết định không mở thủ tục phá sản và giao cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản xem xét ra quyết định mở thủ tục phá sản;

c) Hủy quyết định mở thủ tục phá sản và thông báo cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định mở thủ tục phá sản và những người tham gia thủ tục phá sản.

8. Quyết định của Tổ Thẩm phán là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

9. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về Quy chế làm việc của Tổ Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

 

Chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

2. Căn cứ chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

a) Cá nhân có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;

b) Đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

c) Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không có lợi ích liên quan đến vụ việc phá sản;

d) Tính chất của việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

đ) Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không phải là người thân thích của người tham gia thủ tục phá sản.

3. Văn bản chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải có nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm;

b) Tên, địa chỉ của chủ nợ; doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

c) Tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;

d) Tóm tắt nội dung yêu cầu mở thủ tục phá sản;

đ) Căn cứ để chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;

e) Tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;

g) Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;

h) Thẩm phán ký tên và đóng dấu của Tòa án nhân dân.

 

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản

1. Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

2. Trường hợp xét thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng điều hành, doanh nghiệp, hợp tác xã có dấu hiệu vi phạm khoản 1 Điều 48 của Luật phá sản số 51/2014/QH13 thì Thẩm phán ra quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã đó theo đề nghị của Hội nghị chủ nợ hoặc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————- 
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội 
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *