PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG TẶNG CHO TÀI SẢN CÓ ĐIỀU KIỆN
MAI PHONG LAWFIRM- Pháp luật về Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện
Có thể hiểu, “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.” (Theo quy định tại Điều 457, Bộ luật Dân sự năm 2015).
Bên cạnh việc đơn thuần chỉ là hợp đồng tặng cho, còn có một trường hợp đặc biệt cần đến những điều kiện ràng buộc thêm, đó là “tặng cho tài sản có điều kiện”. Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về tặng cho tài sản có điều kiện như sau:
“Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.” Như vậy, có hai trường hợp:
Thứ nhất: Điều kiện phát sinh trước khi tặng cho. Theo đó, bên được tặng cho phải thực hiện nghĩa vụ trước thì hợp đồng tặng cho mới có hiệu lực.
Thứ hai: Hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực. Bên được tặng cho thực hiện nghĩa vụ sau khi được tặng cho.
Nội dung Điều 462, Bộ luật Dân sự năm 2015 có một số vấn đề cần quan tâm là:
Vấn đề 1: Bên tặng cho tài sản và bên được tặng cho tài sản phải là người có năng lực pháp luật dân sự và có năng lực hành vi dân sự.
Vấn đề 2: Bên tặng cho tài sản và bên được tặng cho tài sản hoàn toàn tự nguyện.
Vấn đề 3: Thực hiện nghĩa vụ là nghĩa vụ dân sự mà bên được tặng cho phải làm theo yêu cầu của bên tặng cho như là chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá thực hiện một công việc hoặc không thực hiện một công việc nhất định.
Vấn đề 4: Điều kiện tặng cho tài sản là những điều cần thiết mà bên tặng cho tài sản cần đạt được. Các điều kiện đó là nghĩa vụ mà bên được tặng cho tài sản phải thực hiện.
Vấn đề 5: Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Trong Điều 462 BLDS quy định về tặng cho tài sản có điều kiện không quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Tại khoản 2 của Điều 462 BLDS chỉ quy định “Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản, thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.” Quy định này là chung chung, không xác định được thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và trước hợp có một bên vi phạm hợp đồng thì khó xác định thời điểm vi phạm hợp đồng và việc tặng cho tài sản có điều kiện có phải tuân theo quy định tại Điều 458 (về tặng cho động sản) và quy định tại Điều 459 BLDS (về tặng cho bất động sản) hay không cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Ngoài ra, có rất nhiều điều kiện đưa ra khó để có thể chứng minh đã thực tế hoàn thành. Ví dụ cha mẹ muốn tặng cho quyền sử dụng đất cho con cái với điều kiện là phải hiếu thảo, chăm sóc cho cha mẹ… Cũng có những trường hợp tặng cho với điều kiện: Không được bán, chuyển nhượng, thế chấp… thì hợp đồng tặng cho tài sản này thuộc khoản nào của Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015, và đối chiếu vào Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừ kế, tặng cho, thế chấp góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Vậy liệu điều kiện đó có được chấp nhận hay không khi nó không vi phạm đạo đức, không vi phạm điều cấm của xã hội tuy nhiên lại hạn chế quyền của chủ sử dụng?
Để bảo sự thống nhất về nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật về tặng cho tài sản có điều kiện, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên quan.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766