Những vấn đề cần biết khi soạn thảo hợp đồng lao động
Theo Bộ Luật Lao động 2012 quy định thì: “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”. Khi soạn thảo và giao kết hợp đồng lao động, phía người sử dụng lao động cần lưu ý những vấn đề sau:
1- Về hình thức của hợp đồng lao động
Về hình thức, giống như hợp đồng dân sự. Hợp đồng lao động có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói (hợp đồng miệng).
a) Hình thức giao kết (thỏa thuận) bằng miệng được thực hiện trong trường hợp thuê lao động đối với công việc có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới 3 tháng và các công việc lao động giúp việc gia đình.
Mặc dù giao kết hợp đồng bằng miệng nhưng hai bên cam kết vẫn phải thực hiện đúng các qui định của pháp luật về lao động.
b) Hình thức giao kết (ký kết) bằng văn bản, ngoài những trường hợp nêu trên thì hợp đồng lao động phải được ký kết bằng văn bản (theo mẫu của Bộ Lao động thương binh và xã hội qui định (Việc ký hợp đồng lao động bằng văn bản là qui định bắt buộc (Điều 28 Bộ luật Lao động)).
2- Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động khi thỏa thuận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Về công việc phải làm:
Phải nêu rõ những hạng mục công việc cụ thể, đặc điểm, tính chất công việc và những nhiệm vụ chủ yếu, khối lượng và chất lượng phải bảo đảm.
b) Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:
Phải nêu rõ một số giờ làm việc hàng ngày, hàng tuần theo giờ hành chính hay ca, kíp… ngày nghỉ hàng tuần, hàng năm, ngày nghỉ lễ, việc làm thêm giờ….
c) Về tiền lương:
Phải nêu rõ mức lương, các loại phụ cấp, hình thức trả lương, các loại tiền thưởng, các loại trợ cấp, thời gian trả lương, các loại phúc lợi tập thể, điều kiện nâng bậc lương, việc giải quyết tiền lương và tiền tàu xe trong những ngày đi đường khi nghỉ hàng năm.
Lưu ý: Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động qui định quyền lợi của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, như thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đang áp dụng trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung.
d) Về địa điểm làm việc:
Phải nêu rõ địa điểm chính thức, làm tại chỗ, đi làm lưu động xa hay gần, phương tiện đi lại, ăn, ở trong thời gian lưu động.
đ) Về thời hạn hợp đồng:
Phải nêu rõ loại hợp đồng, ngày bắt đầu, ngày kết thúc hợp đồng.
e) Về điều kiện an toàn vệ sinh lao động:
Phải nêu rõ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, cụ thể trong công việc phải làm, các công việc phòng hộ lao động mà người lao động tuân thủ và người sử dụng lao động phải bảo đảm cung cấp, tạo điều kiện…
g) Về bảo hiểm xã hội:
Phải nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc đóng góp, thu nộp bảo hiểm xã hội, quyền, lợi ích của người lao động về bảo hiểm xã hội.
3- Phân loại hợp đồng lao động
Bộ Luật Lao động 2012 phân hợp đồng lao động thành 3 loại như sau:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn:
Loại hợp đồng này được ký kết cho những công việc làm có tính chất thường xuyên, không ấn định trước thời hạn và thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng mà thường là những công việc có tính chất thường xuyên, ổn định từ một năm trở lên.
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn (từ 1 năm đến 3 năm):
Loại hợp đồng này được ký kết cho những loại công việc đã được hai bên xác định trước thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong một khoảng thời gian từ đủ 12 đến 35 tháng.
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm:
Loại hợp đồng này được ký kết trong trường hợp công việc có tính chất tạm thời, người sử dụng lao động xác định chỉ làm trong một vài ngày, một vài tháng đến dưới một năm là kết thúc.
Loại hợp đồng này cũng áp dụng trong trường hợp chỉ tạm thời thay thế những người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc các nghĩa vụ công dân khác do pháp luật qui định, những người lao động nữ khi nghỉ thai sản, những người lao động bị tạm giữ, tạm giam và những người lao động khác được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Lưu ý: Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định mà thời hạn từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
4- Nguyên tắc ký kết hợp đồng lao động
Nguyên tắc ký kết hợp đồng lao động được Bộ luật Lao động qui định khá chặt chẽ , cụ thể như sau:
a) Các điều khoản của hợp đồng không được trái pháp luật và khi tập thể lao động đã ký thỏa ước lao động tập thể thì cũng không được trái với thỏa ước lao động tập thể, không được xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba, nhất là lợi ích của Nhà nước.
b) Các bên giao kết hợp đồng phải có năng lực pháp lý và năng lực hành vi. Bộ luật Lao động qui định là người lao động phải đủ 15 tuổi trở lên, được Nhà nước thừa nhận có những quyền và nghĩa vụ cụ thể trong lĩnh vực lao động theo qui định của Bộ luật Lao động.
Người sử dụng lao động là cá nhân phải đủ 18 tuổi trở lên; người sử dụng lao động phải là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức…có đủ điều kiện về sử dụng lao động và trả công lao động.
Các điều khoản của hợp đồng lao động phải được sự nhất trí, thỏa thuận của cả hai bên, hai bên đều bình đẳng trước pháp luật, bên nào vi phạm hợp đồng lao động thì phải bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên kia.
c) Ưu tiên đối với lao động nữ và người tàn tật:
Người sử dụng lao động khi có nhu cầu sử dụng lao động không được từ chối giao kết hợp đồng với người lao động nữ có đủ các điều kiện làm những công việc phù hợp với cả nam và nữ mà doanh nghiệp đang cần. Đồng thời cũng không được từ chối giao kết hợp đồng lao động với người lao động là người tàn tật đối với những công việc mà người khuyết tật làm được. Ngoài ra, phải góp một khoản tiền theo qui định của Chính phủ vào quỹ việc làm cho người tàn tật nếu như doanh nghiệp không nhận một tỷ lệ người lao động là người tàn tật theo qui định của Chính phủ đối với một số ngành nghề và công việc.
5- Đối tượng ký kết hợp đồng lao động
Tùy thuộc vào từng loại lao động, Bộ luật Lao động qui định những tổ chức, cá nhân sau đây khi sử dụng lao động phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
– Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, các hợp tác xã thuê lao động không phải xã viên, cá nhân và hộ gia đình có thuê lao động.
– Các cá nhân, tổ chức, cơ quan nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam có thuê lao động là người Việt Nam.
– Các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội khác sử dụng lao động không phải là công chức, viên chức Nhà nước.
– Các tổ chức kinh tế thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân sử dụng lao động không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ.
– Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng người lao động nước ngoài, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có qui định khác.
– Các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là người nghỉ hưu, cán bộ, công chức Nhà nước làm những công việc mà Pháp lệnh cán bộ, công chức không cấm.
6- Đối tượng không phải ký kết hợp đồng lao động
Những người sau đây được tuyển dụng không phải ký kết hợp đồng lao động.
a) Người được Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước.
b) Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chuyên trách; người giữ các chức vụ trong cơ quan pháp luật, tư pháp được Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc cử ra theo nhiệm kỳ.
c) Người thuộc (làm công tác trong), các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị khác nhau, xã viên hợp tác xã, kể cả cán bộ chuyên trách công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp.
d) Sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Lưu ý: Người làm việc trong một số ngành, nghề hoặc địa bàn đặc biệt thuộc Bộ quốc phòng, Bộ Nội vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ hướng dẫn sau khi thỏa thuận với Bộ Lao động thương binh và xã hội.
7- Thủ tục ký kết hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động có thể được ký kết giữa người sử dụng lao động và người được ủy quyền hợp pháp thay mặt cho nhóm người lao động. Trong trường hợp này, người được ủy quyền hợp pháp để ký kết phải kèm theo danh sách họ tên, tuổi, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động, hợp đồng có hiệu lực như ký kết với từng người và chỉ có thể áp dụng khi người sử dụng lao động cần lao động để giải quyết một công việc nhất định theo mùa vụ mà thời hạn kết thúc dưới một năm hoặc công việc xác định được thời gian kết thúc trong thời hạn một, hai hoặc ba năm.
Lưu ý:
– Đối với những ngành nghề, công việc thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và xã hội qui định được nhận trẻ em dưới 15 tuổi vào làm việc thì giao kết hợp đồng lao động phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người đỡ đầu (giám hộ) của người dưới 15 tuổi đó mới có giá trị.
– Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nếu có khả năng thực hiện nhiều hợp đồng. Đối với hợp đồng lao động ký với người nghỉ hưu, cá nhân dưới 10 lao động hoặc làm công việc có thời hạn dưới ba tháng thì các quyền lợi của người lao động được tính gộp vào tiền lương.
8- Thay đổi hợp đồng lao động
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ba ngày. Việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.