MAI PHONG LAWFIRM – Phụ nữ có quyền nạo phá thai hay không? Cách xử lý đối với hành vi nạo phá thai
Phá thai là biện pháp sử dụng thủ thuật hoặc thuốc với mục đích chấm dứt thai kỳ ở giai đoạn sớm của chu kỳ mang thai. Phá thai không phải là biện pháp tránh thai mà là chấm dứt thai kỳ với lý do bắt buộc hoặc do hoàn cảnh sống. Vậy, phụ nữ khi mang thai có quyền được nạo phá thai hay không. Trong trường hợp nạo phá thai với mục đích lựa chọn giới tính thai nhi sẽ bị xử lí như thế nào?
1. Phụ nữ có quyền nạo phá thai hay không?
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định về quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai như sau:
“Quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai.
1, Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.”
Theo quy định tại Phần 8 Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản Ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT NĂM 2020, việc nạo phá thai chỉ được thực hiện cho đến khi thai đủ 22 tuần tuổi.
Các phương pháp phá thai từ tuần 13 đến hết 22 tuần.
+ Phá thai bằng thuốc được áp dụng cho thai từ tuần thứ 13 đến hết 22 tuần:
+ Phương pháp nong và gắp (không khuyến khích): sử dụng bơm hút chân không và kẹp gắp thai sau khi cổ tử cung đã được chuẩn bị bằng misoprostol được áp dụng cho thai từ tuần 13 đến hết 18 tuần.
2. Trường hợp nghiêm cấm phụ nữ nạo, phá thai:
Trường hợp 1: Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP.
Trường hợp 2: Hành vi nạo phá thai với thai nhi trên 22 tuần theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT.
Vì vậy, phụ nữ được quyền phá thai theo nguyện vọng tại các cơ sở y tế, nhà nước cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị… theo quy định chi tiết tại Quyết định 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế trừ các trường hợp đã nêu trên.
3. Cách xử lý đối với hành vi nạo phá thai:
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định về cách xử lý đối với những hành vi nạo phá thai, tuy nhiên trong trường hợp có hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP thì sẽ bị xử lí vi phạm hành chính.
Cụ thể, căn cứ tại Điều 100 Nghị định 117/2020 NĐ-CP quy định về hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính như sau:
“Điều 100. Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
5. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
b) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.”