MAI PHONG LAWFIRM – Chủ cơ sở thành lập trường giáo dục mầm non độc lập có bắt buộc phải có bằng sư phạm không?
Trường giáo dục mầm non độc lập là cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập đã được cấp phép thành lập theo quy định của pháp luật. Các cơ sở giáo dục này hiện nay đang rất được quan tâm bởi các bậc cha mẹ. Vì vậy, không ít những câu hỏi được đặt ra về điều kiện dành của chủ cơ sở thành lập trường cũng thủ tục thành lập trường mầm non độc lập. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho Quý khách những câu hỏi đó.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 11 Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục ban hành kèm theo Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT có quy định về tiêu chuẩn của chủ cơ sở thành lập trường giáo dục mầm non độc lập như sau:
Chủ cơ sở là cá nhân hoặc cá nhân đại diện cho tổ chức đứng tên xin phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
Tiêu chuẩn
– Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Phẩm chất, đạo đức tốt;
– Dưới 65 tuổi;
– Sức khỏe tốt;
– Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên.
Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Nhiệm vụ
– Chỉ đạo, điều hành hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
– Đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em, giáo viên và nhân viên;
– Chỉ đạo, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực;
– Đầu tư và quản lý cơ sở vật chất thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, tài liệu phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ em theo quy định;
– Bảo đảm các chế độ, chính sách cho giáo viên, nhân viên theo quy định;
– Thực hiện công khai theo quy định.
b) Quyền hạn
– Được ký hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên theo quy định;
– Được đồng thời làm quản lý chuyên môn, giáo viên, nhân viên nếu đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định;
– Được phép thỏa thuận mức học phí với cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ em;
– Được tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lý;
– Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Như vậy, chủ sơ sở trường giáo dục mầm non độc lập không bắt buộc phải có bằng sư phạm mà chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên thì đã đáp ứng điều kiện thành lập trường giáo dục mầm non độc lập. Bên cạnh đó, chủ cơ sở trường mầm non cần có tiêu chuẩn như: là công dân Việt Nam; có phẩm chất, đạo đức tốt; dưới 65 tuổi; sức khỏe tốt.
Trừ trường hợp chủ cơ sở đồng thời làm quản lý chuyên môn theo điểm b khoản 3 Điều 11 Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT thì sẽ phải thỏa mãn các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT. Theo đó, quản lý chuyên môn cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực giáo dục mầm non và một số tiêu chuẩn khác như: có phẩm chất đạo đức tốt; sức khỏe tốt.
Thủ tục thành lập trường mầm non độc lập:
Tại Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP có quy định về thủ tục thành lập trường mầm non độc lập bao gồm:
Thủ tục thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục.
2. Hồ sơ gồm:
a) Tờ trình đề nghị thành lập của cơ quan chủ quản đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; của tổ chức hoặc cá nhân đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
b) Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
Trong đề án cần nêu rõ dự kiến tổng số vốn để thực hiện các kế hoạch và bảo đảm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong 03 năm đầu thành lập và các năm tiếp theo, có thuyết minh rõ về tính khả thi và hợp pháp của các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển trường mầm non trong từng giai đoạn
3. Trình tự thực hiện:
a) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã; nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non nhà trẻ công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục) gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; trong thời hạn 15 ngày làm việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan có ý kiến thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi, hướng dẫn, thực hiện thủ tục liên quan,
xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email: luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (024) 62. 810. 711- Fax : (024) 62. 810. 722 – Hotline: 097. 420. 6766