Hoạt động đấu thầu trong xây dựng cơ bản

Hoạt động đấu thầu trong xây dựng cơ bản

By admin - Tháng Bảy 19, 2018

Hoạt động đấu thầu trong xây dựng cơ bản

Xây dựng là một quy trình thiết kế và thi công nên các cơ sở hạ tầng hoặc công trình, nhà ở.

Đấu thầu là một trong những công cụ quan trọng nhằm huy động nguồn kinh phí cho hoạt động xây dựng hiệu quả. Đấu thầu (lựa chọn nhà thầu) diễn ra sau khi dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt. Đấu thầu là một phương thức cạnh tranh trong xây dựng nhằm lựa chọn người nhận thầu đáp ứng được yêu cầu kinh tế kĩ thuật đặt ra cho việc xây dựng công trình, thông qua đó nhà thầu nhận được cơ hội nhận thầu khảo sát thiết kế, mua sắm máy móc thiết bị và xây lắp công trình.

Một công trình xây dựng đạt được như yêu cầu thiết kế, ngoài việc lựa chọn nhà thầu thi công đủ năng lực và kinh nghiệm thì việc lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát thi công có năng lực và trách nhiệm là điều cũng quan trọng không kém. Trường hợp dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thì việc lựa chọn nhà thầu dù là nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư, lập thiết kế, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát thi công đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Căn cứ theo Luật đấu thầu 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, các dự án xây dựng phải tổ chức đấu thầu gồm:

– Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

– Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;

– Dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án

Các dự án còn lại tuy không bắt buộc nhưng khuyến khích tổ chức đấu thầu. Các dự án được phép chỉ định thầu cũng được khuyến khích chuyển sang hình thức đấu thầu toàn bộ dự án hoặc từng phần dự án khi có điều kiện.

Hình thức đấu thầu

Việc lựa chọn nhà thầu xây dựng có thể được thực hiện theo các hình thức:

1. Đấu thầu rộng rãi

Đấu thầu rộng rãi là hình thức không hạn chế số lượng nhà thầu tham gia. Bên mời thầu phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và ghi rõ các điều kiện, thời gian dự thầu. Đối với những gói thầu lớn, phức tạp về công nghệ bên mời thầu phải tiến hành sơ tuyển để lựa chọn nhà thầu có đủ tư các và năng lực tham gia dự đấu thầu.

Hình thức đấu thầu nay được khuyến khích áp dụng nhằm đạt tính cạnh tranh cao trên cơ sở tham gia của nhiều nhà thầu. Tuy nhiên, hình thức này được áp dụng cho các công trình thông dụng không có yêu cầu đặc biệt về kĩ thuật, mĩ thuật cũng như không cần bí mật và tuỳ theo từng dự án cụ thể trong phạm vi một địa phương, một vùng, toàn quốc và quốc tế.

2. Đấu thầu hạn chế

Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu mời một số nhà thầu có đủ năng lực tham gia. Danh sách nhà thầu tham dự phải được người có thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền chấp nhận. Hình thức này chỉ được xem xét áp dụng khi có một trong các điều kịên sau :

– Chỉ có một số nhà thầu có khả năng đáp ứng được yêu cầu của đấu thầu.

– Các nguồn vốn sử dụng yêu cầu phải tiến hành đấu thầu hạn chế.

– Do tình hình cụ thể của gói thầu mà việc đấu thầu hạn chế có lợi thế.

– Do yêu cầu về tiến độ thực hiện dự án được người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận

3. Chào hàng cạnh tranh

Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có hạn mức dưới 5 tỷ đồng đối với gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.

Chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi: có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; có dự toán được phê duyệt theo quy định; đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện dự án.

4. Chỉ định thầu

Chỉ định thầu là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ định cụ thể một nhà thầu có đủ năng lực để thực hiện. Chỉ định thầu áp dụng trong trường hợp để nhằm đảm bảo bí bật quốc gia, khắc phục sự cố, cần triển khai ngay để tránh gây thiệt hại, đảm bảo sự tương thích về công nghệ mà chỉ có nhà thầu đấy mới có thể thực hiện. Chỉ định thầu được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án;

– Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;

– Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu;

– Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay;

– Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;

– Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

Phương thức đấu thầu

+ Đấu thầu một túi hồ sơ

Đấu thầu một túi hồ sơ là phương thức mà nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu trong một túi hồ sơ. Phương thức này được áp dụng đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá và xây lắp.

+ Đấu thầu hai túi hồ sơ

Đấu thầu hai túi hồ sơ là phương thức mà nhà thầu nộp đề xuất kĩ thật và đề xuất về giá trong từng túi hồ sơ riêng vào cùng một thời điểm.Túi hồ sơ đề xuất kĩ thuật sẽ được xem xét trước để đánh giá. Các nhà thầu đạt số điểm kĩ thuật từ 70% trở lên sẽ được mở tiếp túi hồ sơ đề suất về giá để đánh giá trường hợp nhà thầu không đáp ứng được các yêu cầu về tài chính và các điều kiện của hợp đồng, bên mời thầu phải xin ý kiến của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, nếu được chấp thuận mới được xem xét thay đổi giá. Phương thức này chỉ được áp dụng đối với đấu thầu tuyển chọn tư vấn.

+ Đấu thầu hai giai đoạn :

Phương thức này áp dụng cho những dự án lớn, phức tạp về công nghệ và kĩ thuật hoặc dự án thuộc dạng chìa khoá trao tay.Trong quá trình xem xét, chủ đầu tư có điều kiện hoàn thiện yêu cầu về mặt công nghệ, kĩ thuật và các điều kiện của hồ sơ mời thầu.

Phương thức này áp dụng cho những trường hợp sau :

– Các gói thầu mua sắm hàng hoá và xây lắp có giá từ 500 tỉ đồng trở lên .

– Các gói thầu mua sắm hàng hoá có tính chất lựa chọn công nghệ thiết bị toàn bộ, phức tạp về công gnhệ và kĩ thuật hoặc gói thầu xây lắp đặc biệt phức tạp :

– Dự án thực hiện theo hợp đồng chìa khoá trao tay .

Qúa trình thực hiện phương thức này như sau :

Giai đoạn thứ nhất: Các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu sơ bộ gồm đề xuất về kĩ thuật và phương án tài chính sơ bộ để bên mời thầu xem xét và thảo luận cụ thể với từng nhà thầu nhằm thống nhất yêu cầu và tiêu chuẩn kĩ thuật để nhà thầu chuẩn bị nộp hồ sơ dự thầu chính thức của mình

Giai đoạn thứ hai: Bên mời thầu mời các nhà thầu tham gia trong giai đoạn thứ nhất nộp hồ sơ dự thầu chính thức với đề xuất kĩ thuật đã được bổ xung hoàn chỉnh trên cùng một mặt bằng kĩ thuật và đề xuất chi tiết về tài chính với đầy đủ nội dung về tiến độ thực hiện, điều kiện hợp đồng, giá dự thầu.

Việc thực hiện đấu thầu trong xây dựng chủ đầu tư sẽ lựa chọn được nhà thầu có khả năng đáp ứng được tốt nhất các yêu cầu về kinh tế kĩ thuật, tiến độ đặt ra của công trình. Trên cơ sở đó giúp cho chủ đầu tư vừa sử dụng hiệu quả, tiết kiệm vốn đầu tư; đồng thời vẫn đảm bảo được chất lượng cũng như tiến độ công trình.

Thông qua đấu thầu, chủ đầu tư cũng sẽ nắm bắt được quyền chủ động quản lý có hiệu quả và giảm thiểu được các rủi ro phát sinh trong qua trình thực hiện dự án đầu tư do toàn bộ quá trình tổ chức đấu thầu và thực hiện kết quả đấu thầu được tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật và sau khi chủ đầu tư đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đầy đủ về mọi mặt. Để đánh giá đúng các hồ sơ dự thầu đòi hỏi đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu của chủ đầu tư phải tự nâng cao trình độ của mình về các mặt nên việc áp dụng phương thức đấu thầu còn giúp cho chủ đầu tư nang cao trình độ và năng lực của cán bộ công nhân viên.

Trong đấu thầu xây dựng, các bên nhà thầu cạnh tranh nhau dựa trên các tiêu chí về giá, chất lượng công trình, tiến độ thi công công trình, năng lực tài chính, máy móc, trang thiết bị thi công công trình.

Giá dự thầu

Giá dự thầu được đánh giá là tiêu chí đầu tiên để đánh giá nhà thầu có trúng thầu hay không. Nhà thầu bỏ thầu với mức giá thấp nhất sẽ được ưu tiên xếp hạng nhà thầu. Giá thầu liên quan đến tổ chức, quản lý của doanh nghiệp, kỹ thuật thi công, khả năng áp dụng công nghệ tiên tiến, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Giá thầu thấp nhất sẽ được xếp hạng đầu tiên. Việc xây dựng giá của bên nhà thầu sẽ phải căn cứ trên các điều kiện đảm bảo chi phí gồm chi phí xây dựng liên quan đến dự án công trình và lợi nhuận cho bên nhà thầu đồng thời đảm bảo mức chi phí thấp nhất để bên mời thầu (chủ đầu tư) xét ưu tiên để đánh giá hồ sơ thầu.

Chất lượng công trình

Chất lượng công trình là tiêu chí đánh giá trình độ, năng lực và uy tín của nhà thầu trong xây dựng. Nếu chất lượng công trình tốt sẽ góp phần tăng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Khi chất lượng công trình được nâng cao thì hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng, doanh thu, lợi nhuận tăng theo, đời sống của công nhân viên được nâng lên, kích thích mọi người làm việc nhiều hơn.

Năng lực tài chính

Các chủ đầu tư trước khi ra quyết định còn xem xét đến khả năng ứng vốn thi công và khả năng huy động vốn của nhà thầu. Nhà thầu chứng minh năng lực tài chính dựa trên các tiêu chí tài sản có khả năng thanh khoản cao hoặc có khả năng tiếp cận với tài sản có khả năng thanh khoản cao sẵn có, các khoản tín dụng hoặc nguồn tài chính khác. Trường hợp nhà thầu chứng minh bằng lợi nhuận sau thuế của năm trước hoặc số tiền trong tài khoản công ty trước thời điểm đóng thầu có được không? Theo hướng dẫn tại Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tài sản có khả năng thanh khoản cao là tiền mặt và tương đương tiền mặt, các công cụ tài chính ngắn hạn, các chứng khoán sẵn sàng để bán, chứng khoán dễ bán, các khoản phải thu thương mại, các khoản phải thu tài chính ngắn hạn và các tài sản khác mà có thể chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng một năm. Tại thời điểm đóng thầu, tài sản ròng của nhà thầu là dương thì được đánh giá là đáp ứng đánh giá tiêu chí.

Việc tham gia đấu thầu, trúng thầu và thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng làm cho nhà thầu phải tập trung vốn của mình và lựa chọn trọng điểm để đầu tư để nâng cao cơ sở vật chất kĩ thuật, công nghệ nhân lực theo yêu cầu của công trình. Qua đó, giúp cho các nhà thầu nâng cao năng lực về mọi mặt của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *