Đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng

Đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng

By admin - Tháng Bảy 9, 2018

Đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng

1. Thủ tục đăng ký quyền đối với giống cây trồng (Theo quy định tại Điều 164, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Theo quy định hiện hành để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng bao gồm:

–  Thứ nhất, là tác giả trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi phí của mình;

–  Thứ hai, là tổ chức, cá nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

–  Thứ ba, là tổ chức, cá nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.

Giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển do sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý thì quyền đối với giống cây trồng đó thuộc về Nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký quyền đối với giống cây trồng.

2. Trình tự nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng

–   Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là tổ chức, cá nhân chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng hoặc được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là đơn đăng ký bảo hộ) trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

–   Tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây được kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng:

+   Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;

+   Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh);

–  Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền phải đáp ứng các điều kiện dưới đây để được hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng. Cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

+  Có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;

+  Hoạt động trong một tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.

Theo quy định  cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng:

+   Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+  Thường trú tại Việt Nam;

+   Có bằng tốt nghiệp đại học;

+  Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về quyền đối với giống cây trồng liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về quyền đối với giống cây trồng liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng được cơ quan có thẩm quyền công nhận;

+  Không phải là công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền đối với giống cây trồng;

+  Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

+  Chính phủ quy định cụ thể về đại diện hợp pháp nộp đơn và tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.

3.  Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên đối với giống cây trồng (Theo căn cứ tại Điều 166, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009)

–  Trường hợp có từ hai người trở lên độc lập nộp đơn đăng ký bảo hộ vào các ngày khác nhau cho cùng một giống cây trồng thì Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ có thể được cấp cho người đăng k‎ý hợp lệ sớm nhất.

–  Trường hợp có nhiều đơn đăng ký bảo hộ cho cùng một giống cây trồng được nộp vào cùng một ngày thì Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ có thể được cấp cho người nào đứng tên nộp một đơn duy nhất theo sự thoả thuận của tất cả những người đăng k‎ý; nếu những người đăng k‎ý không thoả thuận được thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng sẽ xem xét để cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng trên cơ sở xác định người đầu tiên đã chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng đó.

4. Nguyên tắc ưu tiên đối với đơn đăng ký bảo hộ

–  Người đăng k‎ý có quyền yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký bảo hộ được nộp trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ cùng một giống cây trồng tại nước có ký kết với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng. Ngày nộp đơn đầu tiên không tính vào thời hạn này.

–   Để được hưởng quyền ưu tiên, người đăng k‎ý phải thể hiện yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên trong đơn đăng ký bảo hộ. Trong thời hạn chậm nhất là ba tháng, kể từ ngày nộp đơn đăng ký, người đăng k‎ý phải cung cấp bản sao các tài liệu về đơn đầu tiên được cơ quan có thẩm quyền xác nhận và các mẫu hoặc bằng chứng khác xác nhận giống cây trồng ở hai đơn là một và phải nộp lệ phí. Người đăng k‎ý có quyền cung cấp thông tin, tài liệu hoặc vật liệu cần thiết cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định trong thời hạn hai năm sau ngày kết thúc thời hạn hưởng quyền ưu tiên hoặc trong thời hạn thích hợp tuỳ thuộc vào loài của giống cây trồng trong đơn, sau khi đơn đầu tiên bị từ chối hoặc rút bỏ.

–  Đơn đăng ký bảo hộ được hưởng quyền ưu tiên thì ngày ưu tiên là ngày nộp đơn đầu tiên.

–  Trong mười hai tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ cùng một giống cây trồng, việc nộp một đơn khác hoặc công bố hoặc sử dụng giống cây trồng là đối tượng của đơn đầu tiên không bị coi là căn cứ để từ chối đơn đăng ký bảo hộ được hưởng quyền ưu tiên.

Đơn và thủ tục xử lý đơn đăng ký bảo hộ

a.  Đơn đăng k‎ý bảo hộ

–  Đơn đăng ký bảo hộ gồm các tài liệu sau đây:

+) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

+) Ảnh chụp, tờ khai kỹ thuật theo mẫu quy định;

+) Giấy uỷ quyền, nếu đơn được nộp thông qua đại diện;

+) Tài liệu chứng minh quyền đăng k‎ý, nếu người đăng k‎ý là người được chuyển giao quyền đăng ký;

+) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

+) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

–   Đơn đăng ký bảo hộ và các giấy tờ giao dịch giữa người đăng k‎ý và cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng yêu cầu:

+) Giấy uỷ quyền;

+) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;

+) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;

+) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

–   Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên của đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng gồm:

+) Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan nhận đơn;

+) Giấy chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền ưu tiên, nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

–   Mỗi đơn chỉ được đăng k‎ý bảo hộ cho một giống cây trồng.

b. Tiếp nhận đơn đăng ký bảo hộ, ngày nộp đơn

–   Đơn đăng ký bảo hộ chỉ được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng tiếp nhận khi có đủ các tài liệu nêu trên.

–   Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng tiếp nhận.

c. Thẩm định hình thức đơn đăng ký bảo hộ

–   Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định hình thức đơn trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đơn để xác định tính hợp lệ của đơn.

–   Đơn đăng ký bảo hộ được coi là không hợp lệ trong các trường hợp sau đây:

+) Đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức theo quy định;

+) Giống cây trồng nêu trong đơn không thuộc loài cây trồng có tên trong Danh mục loài cây trồng được bảo hộ;

+) Đơn do người không có quyền đăng k‎ý nộp, kể cả trường hợp quyền đăng k‎ý thuộc nhiều tổ chức, cá nhân, nhưng một hoặc nhiều người trong số đó không đồng ý thực hiện việc đăng k‎ý.

–  Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thực hiện các thủ tục sau đây:

+) Thông báo từ chối chấp nhận đơn đối với các trường hợp từ chối trong đó nêu rõ lý do từ chối;

+) Thông báo cho người đăng k‎ý khắc phục những thiếu sót trong trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người đăng k‎ý phải khắc phục các thiếu sót đó;

+) Thông báo từ chối chấp nhận đơn, nếu người đăng k‎ý không khắc phục thiếu sót hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối thông báo.

+) Thông báo chấp nhận đơn, yêu cầu người đăng k‎ý gửi mẫu giống đến cơ sở khảo nghiệm để tiến hành khảo nghiệm kỹ thuật và thực hiện thủ tục nếu đơn hợp lệ hoặc người đăng k‎ý khắc phục thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối thông báo quy định pháp luật.

d.  Công bố đơn đăng ký bảo hộ

–  Trường hợp đơn được chấp nhận hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng công bố đơn hợp lệ trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày đơn được chấp nhận.

–  Nội dung công bố đơn gồm số đơn, ngày nộp đơn, đại diện (nếu có), người đăng k‎ý, chủ sở hữu, tên giống cây trồng, tên loài cây trồng, ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

e. Thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ

–   Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thẩm định nội dung đối với đơn được chấp nhận là hợp lệ. Nội dung thẩm định bao gồm:

+) Thẩm định tính mới và tên gọi phù hợp của giống cây trồng;

+) Thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng.

–  Khảo nghiệm kỹ thuật là tiến hành các thí nghiệm nhằm xác định tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.

Việc khảo nghiệm kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân có năng lực tiến hành khảo nghiệm giống cây trồng thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng có thể sử dụng kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đã có trước đó.

–   Thời hạn thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật là chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được kết quả khảo nghiệm kỹ thuật.

f.  Sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký bảo hộ

–  Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, người đăng k‎ý có các quyền sau đây:

+) Sửa đổi, bổ sung đơn nhưng không được làm thay đổi bản chất đơn đăng ký bảo hộ;

+) Yêu cầu ghi nhận thay đổi tên, địa chỉ của người đăng k‎ý;

+) Yêu cầu ghi nhận thay đổi người đăng k‎ý do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng hoặc thừa kế, kế thừa;

h. Rút đơn đăng ký bảo hộ

–  Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng quyết định cấp hay từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, người đăng k‎ý có quyền rút đơn đăng ký bảo hộ. Yêu cầu rút đơn phải được lập thành văn bản.

–  Từ thời điểm người đăng k‎ý rút đơn đăng ký bảo hộ, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó bị chấm dứt; các khoản phí, lệ phí đã nộp liên quan đến những thủ tục chưa bắt đầu tiến hành được hoàn trả theo yêu cầu của người đăng k‎ý.

k. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng

Kể từ ngày đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng đến trước khi ra quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến về việc cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng. Ý kiến phải được lập thành văn bản và kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh.

l. Từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng

Đơn đăng ký bảo hộ bị từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng trong trường hợp giống cây trồng không đáp ứng được các điều kiện quy định. Trong trường hợp từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thực hiện các thủ tục sau đây:

–   Thông báo về dự định từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người đăng k‎ý khắc phục thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối;

–   Thông báo từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng nếu người đăng k‎ý không khắc phục được các thiếu sót và không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối theo quy định.

–   Thực hiện các thủ tục theo quy định nếu người đăng k‎ý khắc phục được các thiếu sót hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối theo quy định.

m. Cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng

Trong trường hợp đơn đăng ký bảo hộ không bị từ chối theo quy định và người đăng k‎ý nộp lệ phí thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.

n. Khiếu nại việc cấp hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng

–   Người đăng k‎ý và bất kỳ người thứ ba nào đều có quyền khiếu nại quyết định cấp hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.

–   Việc giải quyết khiếu nại quyết định cấp hoặc từ chối cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

5. Bằng bảo hộ giống cây trồng và Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ

–  Bằng bảo hộ giống cây trồng ghi nhận tên giống và loài cây trồng, tên chủ sở hữu quyền đối với giống cây trồng (sau đây gọi là chủ bằng bảo hộ), tên tác giả giống cây trồng và thời hạn bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

–  Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ghi nhận việc cấp Bằng bảo hộ và nội dung Bằng bảo hộ vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và lưu giữ các thông tin đó.

6. Hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng ( Theo quy định tại Điều 169, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009)

–   Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

–   Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; đến hết hai mươi năm đối với các giống cây trồng khác.

–   Bằng bảo hộ giống cây trồng có thể bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực theo quy định pháp luật.

7.  Sửa đổi, cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng

–  Chủ bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng thay đổi, sửa chữa sai sót liên quan đến tên và địa chỉ của chủ bằng bảo hộ với điều kiện phải nộp phí, lệ phí. Trong trường hợp những sai sót này là do cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng gây ra thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng phải sửa chữa, chủ bằng bảo hộ không phải nộp phí, lệ phí.

–   Chủ bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng cấp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng với điều kiện phải nộp phí, lệ phí.

8. Công bố quyết định liên quan đến Bằng bảo hộ giống cây trồng

Quyết định về việc cấp, cấp lại, đình chỉ, hủy bỏ, sửa đổi Bằng bảo hộ giống cây trồng được cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng công bố trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *