CON CÁI KHÔNG CHĂM SÓC CHA MẸ THÌ CÓ ĐƯỢC NHẬN DI SẢN THỪA KẾ?
MAI PHONG LAWFIRM- Con cái không chăm sóc cha mẹ thì có được nhận di sản thừa kế hay không?
Theo quy định tại khoản 2, Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “Con có nghĩa vụ và quyền lợi chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, bệnh tật. Nếu gia đình có nhiều con thì những người này phải cùng nhau thực hiện điều này.”
Đặc biệt: Nếu con đã thành niên không sống chung với cha mẹ thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng khi cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Có thể thấy, việc chăm sóc cha mẹ đặc biệt là lúc ốm đau, bệnh tật, già yếu không chỉ thể hiện sự hiếu thảo và yêu thương từ con cái mà còn là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi người.
Tuy nhiên, trong thực tế, có không ít người con bất hiếu, không chỉ không chăm sóc thậm chí còn ngược đãi, hành hạ cha mẹ. Theo Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi như đối xử tàn tệ (bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân) hay bỏ mặc không chăm sóc thì những người này có thể bị phạt tiền từ 1,5 – 2 triệu đồng và buộc phải xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Vậy, con cái không chăm sóc cha mẹ có được nhận di sản thừa kế hay không?
Theo Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cá nhân có quyền bình đẳng trong việc hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật” ngoại trừ những người nêu tại Điều 621 Bộ luật này:
“- Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản thừa kế;
– Bị kết án về hành vi xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người để lại di sản;
– Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác để hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản của người đó;
– Có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản lập di chúc; giả mạo, sửa chữa, hủy, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người lập di chúc.”
Nếu có thể chứng minh được việc không chăm sóc của người đó là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cấp dướng đối với cha mẹ thì sẽ không được hưởng thừa kế.
Ngược lại, nếu người để lại di sản đã biết về hành vi này nhưng vẫn cho họ hưởng theo di chúc thì những người này vẫn được hưởng thừa kế.
Như vậy, nếu những người con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cha mẹ thì sẽ không được hưởng di sản thừa kế trừ khi cha mẹ đã biết về việc này nhưng vẫn cho họ hưởng theo di chúc.
Mọi thông tin thắc mắc cần trao đổi liên quan đến các vấn đề trên, xin Quý khách hàng vui lòng liên lạc với Luật Mai Phong để được hướng dẫn chi tiết.
—————————-
CÔNG TY LUẬT TNHH MAI PHONG
Trụ sở chính: Số nhà 202, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội
VPGD : Phòng 205 Tòa nhà A6B Khu Đô Thị Mới Nam Trung Yên – Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội
Websibte: www.kienthucphapluat.vn
Email:luatsumaiphong@gmail.com
Tel: (04) 62. 810. 711- Fax : (04) 62. 810. 722 – Hotline:097. 420. 6766