Các trường hợp xác lập quyền sở hữu
Quyền sở hữu tài sản là một chế định vô cùng phức tạp và đa dạng trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam. Quyền sở hữu được quy định tại Điều 221 BLDS năm 2015. Đối với mỗi trường hợp quy định trong điều luật trên, xác lập quyền sở hữu được xác định theo những cách khác nhau.
– Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp: Công dân đã bằng sức lao động của mình tạo ra các sản phẩm, các thành quả lao động thì họ hoàn toàn có quyền sở hữu đối với những tài sản được tạo ra bằng chính lao động của họ.
– Được chuyển giao quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Thoả thuận là cơ sở của hợp đồng, việc thoả thuận này của các bên với mục đích hợp pháp là chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác thông qua các hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay… là cách thức thực hiện hành vi pháp lý phổ biến nhất làm phát sinh quyền sở hữu của chủ thể. Người được chuyển giao tài sản thông qua các hợp đồng dân sự hợp pháp thì có quyền sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm nhận tài sản nếu không có thoả thuận hoặc pháp luật không có qui định khác.
– Thu hoa lợi, lợi tức: Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản mà họ có quyền sở hữu. Đó là hoa lợi do cây cối, hoa màu, súc vật… mang lại theo mối liên hệ nguồn gốc phụ thuộc giữa vật chủ ban đầu với hoa lợi đó. Các món lợi bằng tiền hoặc hiện vật thu được do việc chủ sở hữu cho người khác sử dụng tài sản hoặc chính chủ sở hữu thực hiện quyền tài sản đối với tài sản (cho thuê, cho vay tài sản…).
– Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến. Do có các sự kiện này mà tài sản của nhiều chủ sở hữu tạo thành vật mới: Vật mới có thể là chung hay riêng của từng sở hữu chủ được xác định theo BLDS.
– Được thừa kế tài sản: Người được thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu tài sản được thừa kế do người chết để lại.
– Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật qui định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bỏ quên, chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên: Những người chiếm hữu tài sản trong các trường hợp trên đây phải đảm bảo các điều kiện được qui định tại BLDS.
– Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu do pháp luật qui định.
– Các trường hợp khác do pháp luật qui định.
Như vậy, pháp luật đã quy định khá rõ ràng và cụ thể về những trường hợp xác lập quyền sở hữu. Qua đó, chủ sở hữu có thể nắm bắt được những trường hợp bản thân có thể xác lập quyền sở hữu với tài sản.